Tòa đang xử, có được mời luật sư

Bị cáo có quyền, kể cả khi nói lời sau cùng!

Báo Pháp Luật TP.HCM gần đây có đăng bài “Tòa đang xử, có được mời luật sư”, phản ánh trường hợp tòa cho phép luật sư V. bào chữa cho bị cáo B theo đề nghị đột xuất ngay tại phiên tòa của gia đình bị cáo.

Chuyện này đã gây tranh cãi: Bên phản đối nói không đảm bảo về mặt thủ tục (phải có giấy chứng nhận người bào chữa), tạo sự tùy tiện, không đảm bảo chất lượng bào chữa. Bên ủng hộ lại nói việc tòa cho phép là hợp lý vì quyền lợi của bị cáo…

Trước hết cần phải khẳng định rằng theo Bộ luật Tố tụng hình sự, kể từ khi bị “khởi tố bị can”, người bị khởi tố trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào cũng có quyền mời người khác bào chữa cho mình. Tại phiên tòa, không phân biệt phần mở đầu, xét hỏi, tranh luận hay khi nói lời sau cùng, bị cáo đều có quyền nhờ người khác bào chữa cho mình.

Trong thực tiễn xét xử, việc bị cáo nhờ người khác bào chữa cho mình tại phiên xử xảy ra không nhiều. Có trường hợp hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để luật sư làm thủ tục bào chữa cho bị cáo. Có trường hợp hội đồng xét xử lại bác yêu cầu của bị cáo với lý do: Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa đã nói rõ bị cáo có quyền nhờ người khác bào chữa cho mình nhưng bị cáo lại không nhờ thì giờ không được nhờ nữa.

Bị cáo có quyền, kể cả khi nói lời sau cùng!

Bị cáo có quyền, kể cả khi nói lời sau cùng!

Tôi cho rằng làm như vậy là chưa đúng với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự vì tại phiên tòa, trong phần mở đầu, chủ tọa vẫn giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị cáo nghe, trong đó có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Tại phiên tòa, chủ tọa cũng không thể giải thích cho bị cáo rằng tòa đã tống đạt cho bị cáo quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong đó có ghi bị cáo có quyền nhờ người khác bào chữa mà bị cáo không nhờ thì tại phiên tòa không được nhờ nữa. Nếu chủ tọa phiên tòa nào nói như vậy là vi phạm tố tụng.

Tôi không đồng ý với quan điểm tòa cho phép luật sư bào chữa cho bị cáo theo đề nghị đột xuất ngay tại phiên xử là việc làm tùy tiện, không bảo đảm chất lượng bào chữa. Tại sao lại đặt vấn đề chất lượng bào chữa ở đây? Nó chẳng liên quan gì đến quyền và nghĩa vụ của bị cáo hay của người bào chữa cả. Chất lượng tốt hay không tốt là mối quan hệ giữa người bào chữa với bị cáo, không ảnh hưởng gì đến chất lượng xét xử.

Việc hội đồng xét xử để luật sư V. bào chữa cho bị cáo B trong vụ án mà báo nêu cũng không vi phạm gì về thủ tục tố tụng. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư do chánh án hoặc phó chánh án thực hiện. Tại phiên tòa, mọi quyết định đều do hội đồng xét xử thực hiện. Nếu hội đồng xét xử thấy đề nghị của bị cáo là thỏa đáng và luật sư nhận bào chữa cho bị cáo không thuộc trường hợp phải thay đổi người bào chữa thì hội đồng xét xử quyết định cho phép luật sư bào chữa cho bị cáo mà không cần phải cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư nữa. Tuy nhiên, quyết định của hội đồng xét xử phải được thông qua tại phòng nghị án và được lập biên bản để lưu trong hồ sơ vụ án.

Không nên đặt vấn đề: Phiên tòa đang xét xử thì không thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa được bởi thủ tục cho phép luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa là do hội đồng xét xử thực hiện. Trong trường hợp này, yêu cầu của bị cáo B là nhờ luật sư V. bào chữa cho mình, luật sư V. cũng nhận lời và việc bào chữa của luật sư V. không thuộc trường hợp “cấm”, tại sao lại phải xem xét tư cách của luật sư nữa? Về tư cách luật sư thì chính tòa đã cấp giấy chứng nhận người bào chữa để luật sư V. bào chữa cho bị cáo A rồi. Như vậy chỉ cần xác định quyền, nghĩa vụ của bị cáo A không mâu thuẫn với bị cáo B là có thể đồng ý cho luật sư V. bào chữa cho B mà không cần phải xem xét đến các điều kiện khác.

ĐINH VĂN QUẾ