Vấn đề lý luận pháp luật liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được Bộ luật Dân sự 2005 qui định tại Điều 623 và hướng dẫn cụ thể tại phần III, Nghị quyết 03/NQ-HĐTP ngày 8 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao (sau đây gọi chung là Nghị quyết 03 năm 2006).
Thực tế cho thấy, mục đích của nhà làm luật tách riêng các qui định về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thành một điều luật là nhằm khẳng định và ràng buộc nghĩa vụ, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ trong quan hệ xã hội thường ngày.
Về cơ bản, trong thời gian qua những qui định cụ thể của Bộ luật Dân sự, các Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về chế định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đã đáp ứng được tình hình chung của công tác áp dụng pháp luật, đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định hướng giải quyết rõ ràng, đúng pháp luật, tạo cách giải quyết đồng bộ, thống nhất cao.
Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng hiện nay, với tình hình tai nạn giao thông ngày một tăng, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nhiều, khi tiến hành tố tụng, một số vấn đề vướng mắc đã nảy sinh như: Thế nào là chủ sở hữu cũng phải bồi thường khi không có lỗi? Thế nào là giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm đúng pháp luật? Mức độ bồi thường khi không có lỗi là bao nhiêu? Những vấn đề trên khiến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nhiều khi không được đảm bảo, điều đáng nói hơn là sự thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là Toà án nhân dân các cấp, đã khiến tính nghiêm minh của pháp luật không được đảm bảo, việc sửa án, huỷ án của Toà án cấp trên với Toà án cấp dưới chưa có căn cứ giải thích rõ ràng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin mạnh dạng bàn về một số vấn đề vướng mắc khi áp dụng qui định “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” trong thực tiễn tiến hành tố tụng.
I. Một số vụ án đã qua xét xử có quan điểm khác nhau về đường lối xử lý.
1. Vụ án thứ nhất: Nguyễn Tấn Đạt dùng xe môtô của mình biển số 61F4-2362 chở Hoàng Thanh Bình đi bán nắp chai bia. Khi đạt vào quán bán nắp chai thì Bình ngồi trên xe, do Đạt không rút chìa khoá nên khi Đạt quay trở ra thì Bình nói là để Bình đèo đạt về. Trên đường về Bình gây tai nạn chết một người.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 318/HSST của TAND tỉnh B. về phần dân sự đã xử buộc Bình và Đạt liên đới bồi thường cho bị hại 30.000.000đồng. Bình và Đạt kháng cáo. Tại bản án hình sự phúc thẩm số 647/HSPT của TAND Tối cao tại thành phố Đ đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại quyết định giám đốc thẩm số 10/2007/HS-GĐT của Chánh án TAND Tối cao đã xử huỷ toàn bộ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên về phần trách nhiệm dân sự với lý do cấp sơ thẩm và phúc thẩm buộc Bình bồi thường liên đới cùng Đạt là không đúng pháp luật, bời vì khi Bình điều khiển xe thì Đạt vẫn ngồi sau, Đạt vẫn đang là người chiếm hữu, sử dụng xe môtô này nên Đạt là người hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với hậu quả do xe môtô của mình gây ra.
2. Vụ án thứ hai: Ông Lưu Quang Minh mua một xe Charly về dùng chung trong gia đình. Khi ông Minh đi vắng, chị Thu con của ông Minh lấy xe giao cho chị Hạnh là bạn chở đi chơi. Tai nạn xảy ra giữa xe của Hạnh điều khiển và xe của anh Phi làm chị Thu chết.
Tại bản án số 11/HSST, TAND huyện N xử buộc bị cáo Phi và bị cáo Hạnh cùng liên đới bồi thường thiệt hại cho người đại diện hợp pháp của bị hại là ông Minh và bà Đào (cha mẹ của bị hại đã chết là chị Thu.). Tại bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Q đã xử huỷ phần dân sự của bản án sơ thẩm số 11/HSST nói trên với lý do cấp sơ thẩm không đưa ông Minh tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn dân sự trong vụ án.
3.Vụ án thứ ba: Anh Nguyễn Văn Anh giao xe môtô của mình cho chị Nguyễn Thị Kim Phượng (có giấy phép lái xe)mượn. Chị Phượng đưa xe này cho chị Thu điều khiển chở chị Phượng phía sau và gây tai nạn làm anh Điền bị thương 61 %. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 07/HSST của TAND huyện P.về phần dân sự đã buộc chị Thu bồi thường toàn bộ thiệt hại cho anh Điền.
Tại bản án Hình sự phúc thẩm số 24/HSPT của TAND tỉnh Q. đã huỷ phần dân sự của bản án số 07 nói trên. Tại bản án Hình sự sơ thẩm số 06/HSST của TAND huyện P. đã buộc chị Thu và anh Nguyễn Văn Anh liên đới bồi thường thiệt hại cho anh Điền. Tại bản án Hình sự phúc thẩm số 07/HSPT của TAND tỉnh Q. đã xử huỷ bản án hinhg sự sơ thẩm số 06 nói trên, do sai sót về phần dân sự.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 01/HSST của TAND huyện P đã xử buộc anh Nguyễn Văn Anh bồi thường toàn bộ thiệt hại cho anh Điền. Bản án Hình sự phúc thẩm số73/HSPT của TAND tỉnh Q. đã xử y án sơ thẩm.
Tại quyết định giám đốc thẩm số 17/HS-GĐT của Toà án nhân dân Tối cao đã xử huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 73 và bản án hình sự sơ thẩm số 01 với lý do: Anh Nguyễn Văn Anh giao xe cho chị Phượng trong điều kiện chị Phượng có bằng lái xe là một giao dịch dân sự hợp pháp, có hiệu lực pháp luật, do vậy anh Anh hoàn toàn không có nghĩa vụ bồi thường trong vụ án này. Chị Phượng là người đang chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó, giao cho chị Thu khi chưa được anh Anh đồng ý, hơn nữa, khi chị Thu điều khiển xe thì chị Phượng ngồi sau nên vẫn chiếm hữu, sử dụng xe nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại là của chị Phượng. Tuy nhiên, chị Thu là người có lỗi gây tai nạn nên cũng phải liên đới bồi thường thiệt hại cùng chị Phượng.
Diễn biến tiến trình và kết quả tố tụng của ba vụ án nói trên đã cho thấy được sự vướng mắc đáng kể trong việc áp dụng qui định của pháp luật để xử lý các vấn đề liên quan đến bồi thườngg thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Để bày tỏ ý kiến đối với từng vụ án, chúng tôi xin trao đổi về từng nội dung cụ thể của chế định pháp luật qui định về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, đồng thời qua từng vấn đề, chúng tôi sẽ liên hệ để có chính kiến cụ thể đối với từng vụ án nói trên.
II. Qui định của pháp luật và qua thực tiễn xét xử
I. Về nguyên tắc bồi thường.
Khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, nguyên tắc đảm bảo yếu tố lỗi trong bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đã được loại trừ, có nghĩa chỉ cần xác định được chủ thể có nghĩa vụ bồi thường, có hậu quả xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả là đã xác lập được một quan hệ bồi thường dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Điều quan trọng phải xác định lỗi trong trường hợp này là lỗi có mối quan hệ nhân quả với hậu quả xảy ra, lỗi xuất phát từ hành vi gây ra hậu quả. Cụ thể, theo qui định tại khoản 3 Điều 623 BLDS và điểm c mục 2 phần III Nghị quyết 03 năm 2006 thì về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
– Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Theo chúng tôi, cần nhận định rõ, lỗi trong trường hợp này là lỗi đối với hậu quả xảy ra. Bởi lẽ trên thực tiễn lỗi cố ý hoàn toàn của hành vi chưa hẵn là cố ý hoàn toàn đối với hậu quả.
Ví dụ: Xe môtô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe mô tô) gây ra.
Tuy nhiên, nếu A đang lái xe môtô, B chờ sẵn nhảy vào chắn ngang trước đầu xe A để dùng cây đánh A, sau đó B bị xe A tông chết. Trường hợp này B chỉ có lỗi hoàn toàn đối với hành vi còn đối với hậu quả B không có lỗi, do vậy A không bị loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
– Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần chú ý là trong trường hợp pháp luật có quy định khác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.
Trên thực tế, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra do sự kiện bất ngờ rất nhiều, vấn đề đặt ra là tại sao người gây thiệt hại do sự kiện bất ngờ được miễn trách nhiệm hình sự (Điều 11 Bộ luật Hình sự) nhưng lại không được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường dân sự. Những hậu quả gây ra sau sự kiện bất ngờ do phía bị hại có lỗi hoàn toàn đối với hành vi hoặc do người thứ 3 có lỗi, nhưng đặt trách nhiệm dân sự cho chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là không đảm bảo tính công bằng xã hội, thiếu tính thuyết phục cộng đồng và không thống nhất giữa các qui định pháp luật đối với cùng những trường hợp khách quan, không buộc chủ thể phải thấy trước tình huống (Sự kiện bất ngờ, Tình thế cấp thiết, Sự kiện bất khả kháng). Do vậy, theo chúng tôi, khi sửa đổi, bổ sung BLDS 2005, nhà làm luật cần quan tâm đến vấn đề miễn trừ nghĩa vụ bồi thường đối với nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong sự kiện bất ngờ. Đồng thời Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao cần có hướng dẫn về mức độ bồi thường thiệt hại trong trường hợp không có lỗi, bởi vì đã không có lỗi mà lại chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thì không có cơ sở lý giải, khó được cộng đồng chấp nhận.
II. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường.
Trước hết, phải khẳng định chỉ xác định được ai đó có là chủ thể và đảm bảo điều kiện trong trường hợp đó họ được xác lập tư cách đương sự trong tố tụng dân sự thì mới bàn đến việc người đó có lỗi hay không có lỗi, (giống như trong hình sự, mặt dù có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, có hậu quả xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nhưng chủ thể chịu trách nhiệm hình sự không có tư cách thì không truy cứu trách nhiệm hình sự (bị cáo dưới 14 tuổi, bị cáo phạm tội khi bị tâm thần…..)do vậy khi một người không được xác lập tư cách là chủ thể có nghĩa vụ bồi thường trong các dạng chúng tôi phân tích dưới đây thì đương nhiên họ không có nghĩa vụ bồi thường, không cần xét thêm yếu tố lỗi. Có các loại chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, gồm:
1. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ.(thoả mãn 3 điều kiện)
a. Đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ: Chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm là đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ, khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường, cả khi không có lỗi gây ra tai nạn. Trường hợp này thuộc vụ án thứ nhất, chủ sở hữu là anh Đạt đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ nên phải có nghĩa vụ bồi thường là hoàn toàn đúng.
b. Giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chi chiếm hữu, sử dụng: Trước hết phải nhận định thế nào là giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng. Về lý luận, quyền chiếm hữu tài sản của người không phải là chủ sở hữu tài sản được qui định tại 182, Điều 185 (chiếm hữu theo uỷ quyền), Điều 186 (chiếm hữu do giao dịch dân sự), còn quyền sử dụng tài sản của người không phải là chủ sở hữu được qui định tại Điều 192, Điều 194 BLDS. Theo đó, nội hàm các nội dung trên có nhiều yếu tố khác nhau, quyền sử dụng và quyền chiếm hữu trong trường hợp này có khác nhau căn bản về quyền và nghĩa vụ của chủ thể (chiếm hữu là nắm giữ, quản lý tài sản; sử dụng là khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức). Một chủ thể có quyền chiếm hữu nhưng có thể hạn chế quyền sử dụng (theo phạm vi ủy quyền, giao dịch), nhưng cũng có chủ thể chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền chiếm hữu. Do vậy, trên thực tiễn đã có sự nhận thức không thống nhất. Có quan điểm cho rằng giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng có nghĩa là một trong hai quyền, hoặc là giao chiếm hữu, hoặc là giao sử dụng. Quan điểm khác cho rằng đây là sự sai sót của nhà làm luật, lẽ ra dấu phẩy giữa từ chiếm hữu và từ sử dụng phải được thay bằng từ “và” (chiếm hữu và sử dụng). Theo chúng tôi, cần hiểu rõ rằng, quyền của người được giao chiếm hữu tài sản và quyền của người được giao sử dụng mặc dù phải tuân thủ phạm vi nội dung giao dịch, nội dung uỷ quyền nhưng trong nhiều trường hợp diễn biến ngang nhau, khó phân biệt. Do đó chúng tôi mạnh dạng xác định, để xác định nghĩa vụ bồi thường phải nhận thức rõ là khi chủ thể được giao quyền chiếm hữu thì đã phát sinh nghĩa vụ bồi thường tương ứng với nội dung uỷ quyền hoặc nội dung giao dịch, còn chỉ được giao quyền sử dụng nhưng không có quyền chiếm hữu thì không phát sinh nghĩa vụ bồi thường đối với người sử dụng.(trừ trường hợp các chủ thể có thoả thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội).
Ví dụ 1: Ở vụ án thứ ba, chị Phượng giao xe cho chị Thu trong điều kiện chị Phượng ngồi sau xe, đang chiếm hữu, sử dụng xe. Chị Thu gây tai nạn thì Phượng có nghĩa vụ bồi thường. Trong trường hợp này chị Thu liên đới bồi thường bởi chị là người có lỗi gây ra tai nạn..
Ví dụ 2: Cũng ở vụ án thứ ba, anh Nguyễn Văn Anh chủ sở hữu xe, giao xe cho chị Phượng mượn xe là giao dịch dân sự đúng pháp luật. Trong trường hợp này chị Phượng có quyền chiếm hữu (nắm giữ, quản lý) và quyền sử dụng xe nên anh Anh hoàn toàn không có nghĩa vụ bồi thường.
Chủ ở hữu giao người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường cả khi chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng không có lỗi trong việc gây tai nạn trong ba trường hợp(điều kiện kèm) sau:
Một là chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng đúng pháp luật nhưng có thoả thuận khác là bồi thường trước hoặc liên đới bồi thường.
Ví dụ 3: A giao cho B mượn xe đi công tác, giữa A và B thoả thuận nếu xe gây thiệt hại thì A bồi thường trước, B hoàn trả sau hoặc B và A cùng liên đới bồi thường cho bị hại.
Hai là chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng không đúng qui định của pháp luật.
Ví dụ 4: A giao xe môtô cho B đi học (B chưa đủ 18 tuổi, chưa có giấy phép lái xe). Khi B gây tai nạn thì A phải bồi thường.
Ba là người được chủ sở hữu giao nguồn nguy hiểm cao độ chưa đủ yếu tố xác định là người chiếm hữu, sử dụng. Thuộc trường hợp người được giao nguồn nguy hiểm cao độ nhưng đang sử dụng nó trong tầm quản lý, nắm giữ của chủ sở hữu (không có quyền chiếm hữu) nếu gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường. (Ví dụ 5: A thuê B lái xe trả tiền lương cho B hằng tháng, B gây tai nạn thì A phải bồi thường)
c. Chủ sở hữu có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, quản lý, sử dụng để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải chịu bồi thường liên đới với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật cả khi chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng không có lỗi trong việc gây tai nạn. Tùy theo mỗi loại nguồn nguy hiểm cao độ mà mức độ, phạm vi, biện pháp trông coi, quản lý, vận chuyển, sử dụng khác nhau. Do vậy để nhận định thế nào là có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, sử dụng phải căn cứ vào các qui định liên quan đến việc trông coi, bảo quản, vận chuyển, sử dụng một đối tượng nguồn nguy hiểm cao độ cụ thể (Xe máy thì bảo quản, trông coi theo qui định Luật giao thông đường bộ; thuốc nổ, vũ khí thì trông coi, bảo quản theo qui định của Nghị định 175…)
Ví dụ 6: A là chủ xe ôtô, A dừng xe đi vào siêu thị nhưng vẫn để khoá xe, không khoá cửa. B trộm xe A, mở khoá, điều khiển xe chạy thì bị đuổi bắt và xe B gây tai nạn. Trường hợp này A và B liên đới bồi thường cho bị hại.
Tuy nhiên, ở vụ án thứ 2: Ông Minh là chủ xe Charly, xe này dưới 50phân khối, mua về để sử dụng chung trong gia đình. Do vậy, việc chị Thu là con ông Minh đủ tuổi điều khiển xe, đã thường được ông Minh mặc nhiên đồng ý đối với những lần lấy xe sử dụng trước đây khi ông Minh không biết, do vậy trong trường hợp này không thể nói ông Minh có lỗi trong việc quản lý xe, mà thực tế chứng minh rằng pháp luật không buộc ông Minh phải có nghĩa vụ cấm, không cho phép chị Thu sử dụng hay trông coi cẩn thận chìa khoá để loại trừ khả năng sử dụng xe của chị Thu. Hơn nữa, trong vụ án này, theo Nghị quyết 05 của HĐTP TAND Tối cao thì ông Minh là đại diện hợp pháp (bắt buộc) của bị hại, do vậy không thể xác định ông Minh vừa là bị đơn (người bồi thường) vừa là đại diện hợp pháp của bị hại (người được bồi thường) trong cùng một vụ án. Nếu xác định ông Minh là bị đơn dân sự thì vô hình chung chúng ta xác định một người tham gia trong cùng vụ án có hai tư cách đối lập nhau. Điều này cho thấy, ở vụ án thứ hai, chúng tôi không đồng tình với căn cứ huỷ án sơ thẩm của TAND tỉnh Q.
2. Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ.(thoả mãn 3 điều kiện(thuộc trường hợp chị Phượng mượn xe của anh Nguyễn Văn Anh ở vụ án thứ ba).
Như phân tích ở phần chung, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo hai kênh, đó là được giao theo phạm vi uỷ quyền (Điều 185 BLDS), giao theo giao dịch dân sự (Điều 186 BLD), khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường cả khi người được chủ sở hữu giao hay người thứ ba được người này giao lại (nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi trong việc gây tai nạn, trong các trường hợp sau:
Một là người được chủ sở hữu giao đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (trừ trường hợp có thoả thuận là chủ sở hữu bồi thường trước, người được giao bồi thường sau).
Ví dụ 7: A là chủ sở hữu xe môtô, B thuê xe A để đi du lịch. A thoả thuận với B nếu có thiệt hại do tai nạn ôtô thì A bồi thường toàn bộ trước, sau đó B hoàn lại cho A. Trường hợp này, khi giải quyết B không phải bồi thường. Nếu không có thoả thuận thì B phải bồi thường toàn bộ.
Hai là giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người thứ ba. Đây là trường hợp người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nhưng đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải có nghĩa vụ bồi thường trong hai tình huống(hai điều kiện kèm):
Thứ nhất là việc giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người thứ ba không đảm bảo yếu tố xác định người thứ 3 đang có quyền chiếm hữu, sử dụng (Người thứ ba chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền chiếm hữu hoặc không được chủ sở hữu đồng ý).
Ví dụ 8: B được A giao chiếm hữu, sử dụng xe ôtô để đi du lịch. B và C cùng đi trên xe, do mệt quá nên B giao cho C lái (C có đủ điều kiện lái xe) và gây tai nạn. Trường hợp này B là người chịu trách nhiệm bồi thường. Hoặc cũng như vậy nhưng B giao xe ôtô của A cho C thuê theo hợp đồng nhưng không được A đồng ý, khi C lái xe ôtô gây ta nạn thì B phải bồi thường.
Thứ nhì là giao nguồn nguy hiểm cao độ đúng pháp luật nhưng có thoả thuận bồi thường trước hoặc liên đới bồi thường.
Ba là người thứ ba được giao nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, quản lý, sử dụng để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Trường hợp này giống trường hợp của chủ sở hữu.
Ví dụ 9: B thuê xe ôtô của A đi du lịch, nhưng do chủ quan, B để khoá, không khoá cửa để C chiếm đoạt xe bất hợp pháp, bị đuổi bắt, C bỏ chạy gây tai nạn. Trường hợp này người có nghĩa vụ bồi thường là B.
3. Người thứ ba được giao chiếm hữu, sử dụng. Đây thuộc trường hợp tiếp theo, người thứ ba nhận nguồn nguy hiểm cao độ từ người được chủ sở hữu giao. Ở nội dung này, hướng xử lý cũng tương tự như các phần phân tích ở trên. Trách nhiệm bồi thường phát sinh cả khi người được chủ sở hữu gia hay người thứ ba chiếm hữu, sử dụng không có lỗi trong việc gây tai nạn, trong các trường hợp sau:
Một là người thứ ba đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (trừ trường hợp có thoả thuận phía người được chủ sở hữu giao bồi thường trước)
Hai là người thứ ba giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác (người thứ tư, thứ n…), có hai tình huống:
– Giao cho người thứ tư, thứ n… nhưng không đảm bảo yếu tố xác định người khác đang có quyền chiếm hữu, sử dụng (Giao sử dụng nhưng không có quyền chiếm hữu hoặc không được chủ sở hữu đồng ý).
– Giao đúng pháp luật nhưng có thoả thuận bồi thường trước hoặc liên đới bồi thường.
Ba là người thứ ba có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, quản lý, sử dụng để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật.
Ví dụ 10: A là chủ sở hữu xe ôtô, B thuê xe của A và cho C thuê lại được A đồng ý. C cho D thuê lại nhưng không được A đồng ý. D gây tai nạn thì C phải có trách nhiệm bồi thường.
Ngoài các chủ thể có nghĩa vụ bồi thường trên, trong quan hệ dân sự, nếu có người khác không được giao, không chiếm giữ trái pháp luật nhưng cùng có lỗi trong việc khiến nguồn nguy hiểm cao độ gây tai nạn thì người đó cũng có nghĩa vụ bồi thường liên đới trên phạm vi lỗi của mình.(đây là trường hợp chị Thu trong vụ án thứ ba, nghĩa vụ bồi thường của chị Thu xuất phát từ việc chị có lỗi gây ra hậu quả chứ không xuất phát từ nghĩa vụ bồi thường liên quan đến chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ.)\
Ví dụ 11: A là chủ sở hữu xe ôtô đang lái xe thì bất ngờ B chạy ngang qua đường khiến A lệch tay lái tông vào C và D gây tai nạn. Trong trường hợp này A gặp sự kiện bất ngờ, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thuộc về A và B liên đới.
III. Về trách nhiệm bồi thường liên đới:
Điều 616 Bộ luật dân sự qui định: Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chỉ phát sinh nghĩa vụ liên đới bồi thường trong các trường hợp sau:
Một là giữa các chủ thể đã thoả thuận cùng liên đới bồi thường. (đã phân tích và ví dụ ở phần trên)
Hai là một chủ thể có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, quản lý, sử dụng để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phát sinh nghĩa vụ bồi thường liên đới giữa người chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp với chủ thể đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đúng pháp luật.
Ba là người khác không chiếm hữu, sử dụng nhưng có lỗi trong việc làm cho nguồn nguy hiểm cao độ gây tai nạn thì phát sinh trách nhiệm bồi thường liên đới giữa người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hợp pháp và người cùng có lỗi gây tai nạn.
Hiện nay, với tình hình tai nạn giao thông nhiều, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đa dạng, thực tế áp dụng qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ở Toà án các cấp cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng, còn quá nhiều lúng túng, thiếu thống nhất, thậm chí sai đường lối hướng dẫn, một vụ án phải xử đến 8 phiên toà mới phân biệt được đúng sai, điều lúng túng nhiều nhất là việc xác định chủ thể bồi thường và mức độ bồi thường trong trường hợp không có lỗi. Hy vọng qua bài viết này, chúng tôi nhận được sự trao đổi từ phía đồng nghiệp và đọc giả quan tâm, sự xem xét và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc từ các cơ quan thẩm quyền, quan trọng là hướng dẫn từ Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao, nhằm tạo điều kiện cho những người tiến hành tố tụng nói chung nhận thức và áp dụng qui phạm pháp luật một cách thống nhất, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Nguyễn Văn Dũng – Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam