Khi xét xử các vụ án hình sự, ngoài việc quyết định tội danh và khung hình phạt, một trong những phần việc quan trọng và thường xuyên nhất đối với các thành viên Hội đồng xét xử là cân nhắc mức hình phạt cho các bị cáo.
Theo đó, việc quyết định mức hình phạt đối với bị cáo phải đảm bảo các qui định chung và qui định riêng biệt tại các điều luật trong Bộ luật Hình sự. Điều 45 Bộ luật Hình sự qui định: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”. Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự trong thời gian qua cho thấy, việc quyết định hình phạt của Hội đồng xét xử Tòa án hai cấp đã bám sát các qui định của pháp luật, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu răn đe, giáo dục người vi phạm pháp luật, phục vụ tốt công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm tại địa phương. Bài viết này được xây dựng trên kết quả khảo sát tổng thể thực trạng quyết định hình phạt tại các bản án của Tòa án nhân dân hai cấp đã tuyên trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 có áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố.
Với vai trò là ngang quyền và độc lập trong quá trình xét xử, các thành viên của Hội đồng xét xử là những người biểu quyết, quyết định mức hình phạt, loại hình phạt cho từng bị cáo. Từ đó, kết quả ấn định mức hình phạt đối với từng bị cáo trong vụ án cụ thể phù hợp hay chưa phù hợp về nguyên tắc là phụ thuộc vào quan điểm chiếm đa số trong Hội đồng xét xử. Do vậy, bên cạnh những đánh giá khái quát về những mặt đã làm được, chưa làm được liên quan đến vấn đề này, chúng tôi thấy cần thiết phải trao đổi với đồng nghiệp và đọc giả quan tâm một số nội dung cốt yếu làm cơ sở để cân nhắc hợp lý việc áp dụng hay không áp dụng Điều 47, chuyển khung hình phạt, đồng thời lượng mức hình phạt tương thích so với hành vi phạm tội và hậu quả do tội phạm gây ra.
Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam đã đưa ra xét xử 1.647 vụ án hình sự, chiếm tỷ lệ 24,6% trong tổng số các loại vụ án được giải quyết. Trong đó, Tòa án nhân dân cấp huyện đã giải quyết 1.180 vụ/1.999 bị cáo; các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tỉnh giải quyết 462 vụ/ 1.092 bị cáo. Trong tổng số 1.406 bản án hình sự đã tuyên thì có 385 trường hợp Hội đồng xét xử đã áp dụng Điều 47, để quyết định hình phạt dưới khung hình phạt bị truy tố cho các bị cáo, tập trung chủ yếu vào các loại tội như: Vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, Trộm cắp tài sản, Cố ý gây thương tích, tội phạm về ma túy…
Nhìn chung, trong quá trình xét xử các vụ án hình sự, Hội đồng xét xử hai cấp đã tuân thủ các qui định của Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn hiện hành, đối chiếu các qui định của pháp luật với tình tiết vụ án, xem xét, cân nhắc, áp dụng các căn cứ pháp luật làm cơ sở để ấn định mức hình phạt cho các bị cáo đúng người, đúng tội, đảm bảo yêu cầu về đấu tranh, phòng, chống tội phạm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Khi áp dụng Điều 47 để chuyển khung hình phạt, phần lớn các bản án của Tòa án nhân dân hai cấp đã đánh giá, phân tích, xác định rõ các tình tiết giảm nhẹ theo qui định tại khoản 1 Điều 46; nhận định điều kiện chấp nhận hay không chấp nhận áp dụng Điều 47 để chuyển khung hình phạt; tính toán cẩn trọng để lượng hình cho các bị cáo sao cho phù hợp với tính chất vụ án, vai trò và nhân thân của người phạm tội, nhất là việc vừa chuyển khung hình phạt (Điều 47), sử dụng nguyên tắc ấn định mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội (Điều 69, 74), vừa xem xét trường hợp phạm tội chưa đạt hay chuẩn bị phạm tội (Điều 52).
Tuy nhiên, các sai sót liên quan đến vấn đề này còn tương đối nhiều. Khi có kháng cáo, kháng nghị, các sai sót này chủ yếu là cơ sở để Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm. Điều quan trọng là hậu quả của những sai sót liên quan có tác động trực tiếp, cụ thể đến từng bị cáo và ảnh hưởng đến nhận thức, đánh giá của nhân dân về kết quả xét xử của Tòa án.
Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự trong thời gian qua cho thấy, những sai sót, tồn tại trong việc áp dụng Điều 47, ấn định mức hình phạt cho bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố tập trung vào một số vấn đề sau:
Theo qui định tại Điều 47 và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hiện hành, điều kiện cần và đủ để Hội đồng xét xử có thể chuyển khung hình phạt, xử bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố là bị cáo phải được Hội đồng xét xử chấp nhận cho hưởng 02 tình tiết giảm nhẹ theo qui định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Từ yêu cầu cứng này, trong thực tiễn xét xử, khi Hội đồng xét xử nghị án, để quyết định mức hình phạt, việc phân tích cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ nào là việc làm đầu tiên, trước khi nghĩ đến áp dụng hay không áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự.
Các tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự được qui định từ điểm a đến điểm s. Mỗi điểm, mỗi tình tiết giảm nhẹ đòi hỏi bị cáo phải thỏa mãn một hoặc nhiều điều kiện nhất định. Trong thực tiễn xét xử, có những tình tiết giảm nhẹ khi phát sinh điều kiện cần thiết thì dễ nhận biết và dễ áp dụng như: tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại(điểm b), người phạm tội là phụ nữ có thai, là người già (điểm l, m), người phạm tội tự thú (điểm o)…Nhưng cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ phải qua phân tích, đánh giá, so sánh, đối chiếu, tổng hợp các điều kiện, các biểu hiện, thái độ của bị cáo và khi hội đủ các yêu cầu cơ bản này thì Hội đồng xét xử mới áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, như: Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (điểm c), phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra (điểm đ)…Theo đó, tình tiết giảm nhẹ càng khó nhận diện, khó xác định bao nhiêu thì thực tiễn xét xử càng phát sinh sai sót bấy nhiêu. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:
Tách bạch các qui định tại Điều 47 Bộ luật Hình sự, chúng ta xác định được những điều kiện cần cơ bản như sau:
Một là: “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự”. Theo đó, đây là quy định “
cứng” của điều luật, buộc Hội đồng xét xử phải xác định người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự và được Hội đồng xét xử xác định cụ thể và ghi rõ trong bản án thì mới có thể được áp dụng Điều 47. Thực tiễn xét xử cho thấy, khi xem xét điều kiện này, Hội đồng xét xử thường mắc phải những vấn đề sau:
Thứ nhất, hiện nay khoản 1 Điều 46 chỉ qui định các “
điểm” chứ không xác định các
“tình tiết” như yêu cầu của Điều 47. Qui định này dẫn đến trường hợp Hội đồng xét xử này thì cho rằng cứ 1 điểm trong khoản 1 Điều 46 là một tình tiết giảm nhẹ; nhưng Hội đồng xét xử khác lại cho rằng trong một điểm tại khoản 1 Điều 46 có thể có hai hoặc nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Thứ hai
, trong nhiều vụ án đã xét xử, bị cáo bị truy tố bởi nhiều tình tiết định khung tăng nặng tại khung hình phạt
(Ví dụ: Bị cáo A bị xét xử về tội Cướp giật tài sản theo điểm a, c, đ, b khoản 2 Điều 136) hoặc bị đề nghị áp dụng nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự
(Ví dụ: Bị cáo A có tình tiết tăng nặng là: xâm phạm tài sản của Nhà nước- điểm k Điều 48; Xúi giục người chưa thành niên phạm tội – điểm n Điều 48)…Hay cũng có những trường hợp bị cáo bị áp dụng một
điểm tăng nặng tại khoản 1 Điều 48 nhưng có nhiều
tình tiết tăng nặng khác nhau như: Có hành động xảo quyệt; hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm
(điểm o khoản 1 Điều 48), Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở tình trạng không thể tự vệ được
…(điểm h khoản 1 Điều 48)…Khi gặp phải các trường hợp trên đã phát sinh những quyết định không thống nhất. Có Hội đồng xét xử thì cho rằng Điều 47 chỉ qui định
“Khi có hai tình tiết giảm nhẹ tại Khoản 1 Điều 46” thì có thể xem xét chuyển khung hình phạt, không quan tâm có tình tiết tăng nặng hay không. Nhưng cũng có Hội đồng xét xử lại cho rằng, trước tiên phải lấy số lượng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trừ đi các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nếu còn đủ 02 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 46 thì mới xem xét áp dụng Điều 47. Chính sự thiếu thống nhất đó dẫn đến kết quả áp dụng pháp luật và quyết định hình phạt đối với các bị cáo là khác nhau. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:
Ví dụ 1: Trương Hoàng Đ
(đã thành niên) và Trương Công T
(vị thành niên) bị Hội đồng xét xử huyện Đ nhận xét là có vai trò ngang nhau trong vụ án Cố ý gây thương tích. Trương Hoàng Đ được áp dụng điểm b, p khoản 1 Điều 46, Điều 47 và bị áp dụng tình tiết tăng nặng
“Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng” theo điểm e khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự. Trương Công T được áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46, Điều 74, Điều 69
(không áp dụng Điều 47) Bộ luật hình sự. Cả hai bị cáo cùng bị xử phạt 01 năm 06 tháng tù. Vụ án này có hai vấn đề cần bàn:
+ Vấn đề thứ nhất: Nếu theo phương pháp bù trừ 01 tình tiết tăng nặng tại Điều 48 thì Trương Hoàng Đ chỉ còn một tình tiết giảm nhẹ là điểm p khoản 1 Điều 46; Trương Công T cũng được áp dụng điểm p khoản1 Điều 46 nhưng tại sao Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 cho Đ mà không áp dụng cho T?! Lý giải trường hợp này, chúng ta có thể suy luận: Hội đồng xét xử đã không tính trừ đi tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 48 đối với Đ, đồng thời cũng xác định điểm p khoản 1 Điều 46 chỉ là 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
+ Vấn đề thứ hai: Cả hai bị cáo có vai trò ngang nhau, bù trừ rồi thì tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như nhau. Nhưng T là người chưa thành niên, mức hình phạt của T cao nhất là bằng ¾ của Đ, tại sao xử hai bị cáo cùng mức 01 năm 06 tháng tù
(Vấn đề này sẽ được bàn kỹ ở phần tiếp theo của chuyên đề).
Ví dụ 2: Trần Văn T và Nguyễn Thanh H bị xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm a khoản 2 Điều 138. Hội đồng xét xử xác định bị cáo T là đầu vụ, bị cáo H có vai trò thứ nhì; áp dụng điểm g, o, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, điểm g, i khoản 1 Điều 48
(không áp dụng Điều 47) xử phạt Trần Văn T 24 tháng tù; áp dụng điểm b, g, o, p khoản 1 Điều 46, điểm g, i khoản 1 Điều 48, Điều 47 xử phạt Nguyễn Thanh H 09 tháng tù.
Lý giải trường hợp này, chúng ta có thể suy luận: đối với Trần Văn T, Hội đồng xét xử đã trừ đi tình tiết tăng nặng so với các tình tiết giảm nhẹ và vì số lượng tình tiết giảm nhẹ không đủ 02 nên đã không xem xét áp dụng Điều 47 đối với T. Còn đối với H, sau khi trừ đi 02 tình tiết tăng nặng thì H còn 02 tình tiết giảm nhẹ nên Hội đồng xét xử đã áp dụng Điều 47 đối với H. Và trong vụ án này, điểm p khoản 1 Điều 46 không được Hội đồng xét xử tách làm hai tình tiết giảm nhẹ để xem xét cho bị cáo Trần Văn T.
Ví dụ 3: Trong vụ án về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, các bị cáo Nguyễn N, Trần Văn C, Phạm L đều bị xét xử theo khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự. Các bị cáo chỉ được Hội đồng xét xử áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46 nhưng phân tích trong bản án theo hướng chia ra hai tình tiết giảm nhẹ
“Thành khẩn khai báo” và
“Ăn năn hối cải”để áp dụng Điều 47, ấn định mức hình phạt tù của các bị cáo dưới mức thấp nhất của khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Ví dụ 4: Nguyễn Văn T phạm tội theo điểm a, d khoản 2 Điều 136, có hai tình tiết tăng nặng là điểm g, n khoản 1 Điều 48. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm áp dụng điểm
p khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 47 để hạ khung hình phạt, xử Nguyễn Văn T 30 tháng tù.
Chúng tôi chưa khẳng định trong các vụ án trên, trường hợp nào đúng, trường hợp nào là sai. Nhưng khi so sánh ví dụ thứ nhất với ví dụ thứ hai, ít nhất chúng ta cũng khẳng định được đã có dấu hiệu của sự thiếu thống nhất trong việc tính bù trừ hay không tính bù trừ giữa tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ theo qui định của pháp luật; khi so sánh các ví dụ thứ 3, thứ 4 với hai ví dụ còn lại thì chúng ta xác định được có sự thiếu thống nhất khi áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự để cho rằng nó là
một hay
nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Hai là: Hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định phải là hình phạt nằm trong
khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật và lý do giảm nhẹ hình phạt phải được ghi rõ trong bản án. Đây là điều kiện đủ, cộng với các điều kiện cần ở hai phần trên để xem xét áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự. Điều kiện này cho chúng ta một quan điểm về mặt lý luận rằng: Khung hình phạt nhẹ hơn phải liền kề với khung hình phạt bị truy tố, xét xử
(Ví dụ khoản 1 là nhẹ hơn và liền kề với khoản 2); đồng thời khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ để hạ khung hình phạt thì Hội đồng xét xử phải phân tích rõ trong bản án. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, không phải trường hợp nào Hội đồng xét xử cũng tuân thủ áp dụng khung hình phạt
“liền kề nhẹ hơn” và không phải trong trường hợp nào Hội đồng xét xử cũng ghi rõ các tình tiết giảm nhẹ trong bản án, nhất là đối với nhiều tình tiết giảm nhẹ cùng nằm trong một điểm tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự như phân tích ở trên. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:
Ví dụ 1: Hoàng Trung H
(khi phạm tội là vị thành niên: 16 tuổi, 6 tháng), bị Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Q xét xử về tội Hiếp dâm trẻ em theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự. Khoản 4 Điều 112 có mức thấp nhất của khung hình phạt là 12 năm, khoản 3
(liền kề khoản 4) thì mức thấp nhất của khung hình phạt lại 20 năm, khoản 2
(liền kề khoản 3) có mức thấp nhất là 12 năm. Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47, Điều 69, Điều 74 xử phạt Hoàng Trung H 08 năm tù.
Trường hợp này cho thấy: Do đặc thù của Điều 112 là khoản 3 có mức thấp nhất của khung hình phạt cao hơn khoản 4, nên khi bị cáo bị truy tố theo khoản 4, chuyển xuống khung liền kề là khoản 3 thì không đáp ứng điều kiện “nhẹ hơn”, không có lợi cho bị cáo. Nên vô hình chung, ai phạm phải Khung này, nếu đúng nguyên tắc
“khung liền kề nhẹ hơn” của Điều 47 thì không bao giờ được xem xét hạ khung hình phạt. Trong trường hợp cụ thể này, Hội đồng xét xử đã áp dụng khoản 2 Điều 112
(khung nhẹ hơn nhưng không liền kề) để xem xét mức hình phạt cho bị cáo;
Ví dụ 2: Nguyễn L và Huỳnh Ngọc N bị xét xử về tội Tàng trữ trái phép chất độc…theo khoản 2 Điều 238 Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử đã áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46, Điều 47 để chuyển khung hình phạt cho bị cáo từ khoản 2 xuống khoản 1 Điều 238 Bộ luật Hình sự. Vần đề là tại phần “Xét thấy” của bản án, Hội đồng xét xử chỉ đánh giá
“bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” mà không phân tích kỹ bị cáo thành khẩn khai báo như thế nào, dấu hiệu nào để xác định bị cáo ăn năn hối cải, đồng thời cũng không xác định được là trong vụ án này Hội đồng xét xử chia
độc lập hai tình tiết của điểm p để xem xét trách nhiệm hình sự của các bị cáo hay không. Trong trường hợp này, chúng ta thấy Hội đồng xét xử đã không đảm bảo yêu cầu
“phải ghi rõ lý do chuyển khung hình phạt nhẹ hơn trong bản án”.
2.3.Tồn tại trong việc ấn định mức hình phạt khi áp dụng Điều 47 để chuyển khung hình phạt:
Ấn định mức hình phạt, loại hình phạt thích hợp cho bị cáo sau khi bị cáo hội đủ các yếu tố, các điều kiện cần và đủ như đã phân tích ở trên là mục đích cũng đồng thời là việc làm cuối cùng của công đoạn áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự. Tuy vậy, trong thực tiễn xét xử, các thành viên Hội đồng xét xử đa phần chỉ quan tâm đến việc chuyển khung hình phạt mà ít quan tâm đến việc định mức hình phạt sao cho phù hợp với điều luật được áp dụng. Nên sau khi thống kê, rà soát các bản án đã xét xử, chúng tôi nhận thấy sai sót trong áp dụng Điều 47 nhiều nhất thuộc vào công đoạn này.
Theo đó, việc áp dụng Điều 47 có thể được xem như một biểu hiện rõ của pháp luật về sự khoan hồng của Nhà nước đối với hành vi phạm tội của bị cáo. Do vậy, về mặt nguyên tắc lý luận, trong bất kỳ trường hợp nào, khi Hội đồng xét xử đã quyết định áp dụng Điều 47 để chuyển khung hình phạt
(tức là xử bị cáo mức án thấp hơn mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố) thì phải ấn định mức hình phạt sao cho tách bạch rõ giữa việc áp dụng Điều 47 với việc không áp dụng Điều 47 và phải xem xét mối quan hệ giữa việc áp dụng Điều 47 với các điều luật khác qui định về giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Vấn đề này, thực tiễn xét xử cho chúng ta các tình huống sau:
Tình huống thứ nhất: Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 để chuyển khung hình phạt, xử mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố là đúng, nhưng thiếu giá trị áp dụng trong thực tiễn của điều luật, biểu hiện theo kiểu
“áp dụng cho xong”. Cũng có trường hợp áp dụng để chuyển khung hình phạt nhưng lại quyết định mức hình phạt
dưới cả mức thấp nhất của khung hình phạt đã chuyển. Dưới đây là một số ví dụ:
Ví dụ 1: Nguyễn Lương P
(khi phạm tội là người chưa thành niên). Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 104, Điều 47 để chuyển khung hình phạt và Điều 69, 74 để lượng hình đối với Nguyễn Lương P, xử phạt P 15 tháng tù. Vấn đề ở chỗ, mức hình phạt thấp nhất của khoản 2 Điều 104 là
02 năm tù. Giả thuyết P bị xử ấn định bằng mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố, không áp dụng Điều 47 để hạ khung hình phạt, thì P
(là người chưa thành niên) chỉ bị xử phạt ¾ của 02 năm tù, tức
16 tháng tù. Nói rõ hơn, diễn biến vụ án cho phép Hội đồng xét xử không cần chuyển khung hình phạt vẫn có thể xử phạt P 16 tháng tù. Trong khi đó, Hội đồng xét xử
đã áp dụng Điều 47 để chuyển khung hình phạt nhưng lại xử P
15 tháng tù. Cách lượng hình như vậy, cho chúng ta một suy luận là
giá trị của quyết định chuyển khung hình phạt trong trường hợp này chỉ được
01 tháng tù.
Ví dụ 2: Hoàng Thanh S
(khi phạm tội là người chưa thành niên). Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 136, điểm b, p khoản 1 Điều 46, Điều 47, Điều 69, Điều 74 xử phạt S 26 tháng tù. Trong khi đó, mức thấp nhất của khung hình phạt tại khoản 2 Điều 136 là 03 năm tù. Không cần áp dụng Điều 47, chỉ cần áp dụng Điều 69, 74 thôi thì mức hình phạt của Q đã có thể xử 27 tháng tù. Cũng như ở ví dụ 1, Hoàng Thanh S được hưởng quyền áp dụng Điều 47 là
01 tháng tù.
Ví dụ 3: Quay trở lại vụ án của Hoàng Trung H phạm tội Hiếp Dâm ở trên. H bị xử 08 năm tù sau khi đã áp dụng Điều 47 để hạ khung hình phạt từ khoản 4 xuống khoản 2 Điều 112. Theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, vì tính bất cập của Điều 112 nên chúng ta chấp nhận việc Hội đồng xét xử dùng khoản 2 của Điều luật làm khung liền kề, nhưng mức thấp nhất của khoản 2 là 12 năm. Như vậy, mức hình phạt của một người chưa thành niên phạm tội như Hoàng Trung H chỉ có thể hạ tới ¾ của 12 năm tức là
09 năm. Nhưng cấp sơ thẩm lại xử
08 năm! Đại diện Viện kiểm sát tỉnh Q còn đề nghị mức hình phạt từ
07 năm! Điều cần quan tâm nữa là hồ sơ vụ án phản ánh, 01 Hội thẩm nhân dân đã bảo lưu khi nghị án, đề nghị xử phạt bị cáo
07 năm tù theo mức đề xuất của Viện kiểm sát.
Tình huống thứ hai: Theo điều luật qui định, phạm vi áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự là đối với tất cả các bị cáo không phân biệt bị cáo là người
đã thành niên hay bị cáo là người
chưa thành niên, không phân biệt bị cáo phạm tội ở giai đoạn nào
(chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, hay tội phạm đã hoàn thành) và cũng không phân biệt bị cáo có vai trò như thế nào trong vụ án. Cho nên, khi áp dụng Điều 47, Hội đồng xét xử phải đặt biệt quan tâm đến mối quan hệ của những vấn đề trên. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có rất nhiều trường hợp Hội đồng xét xử áp dụng đủ các điều luật
(Điều 47, Điều 74, Điều 52 Bộ luật hình sự) và phân tích rõ vai trò của từng bị cáo trong vụ án nhưng lại ấn định mức hình phạt không phù hợp. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:
Ví dụ 1: Nguyễn Văn Th (
khi phạm tội là 17 tuổi) được Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện T đánh giá có vai trò thứ yếu trong quá trình phạm tội cùng đồng phạm Nguyễn Văn T
(khi phạm tội là người thành niên) và Phan Công Q
(đã thành niên), các bị cáo bị xét xử theo khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự. Theo đó, Nguyễn Văn T và Phan Công Q đều bị xử phạt
42 tháng tù, Nguyễn Văn Th bị xử phạt
36 tháng tù. Các bị cáo đều được áp dụng điểm o, p khoản 1 Điều 46 và Điều 47 Bộ luật Hình sự để chuyển khung hình phạt. Vấn đề ở chỗ, khi định mức hình phạt cho Nguyễn Văn Th, Hội đồng xét xử chỉ tính hạ khung theo Điều 47, còn áp dụng Điều 69, Điều 74 nhưng không lại không xem xét khi lượng hình. Bởi lẽ, trong phần nhận xét của bản án, Hội đồng xét xử cho rằng Nguyễn Văn Th có vai trò thứ yếu, xếp sau Phan Công Q, nhưng Q
(là người đã thành niên) bị xử phạt 42 tháng tù, theo nguyên tắc lượng hình đối với người chưa thành niên, trong trường hợp vai trò như nhau, cùng chịu mức hình phạt như nhau thì Th chỉ bị xử phạt ¾ của 42 tháng tù, tức là
cao nhất 31,5 tháng tù. Khi Hội đồng xét xử áp dụng cả Điều 47, Điều 69, Điều 74 cho Nguyễn Văn Th và đánh giá hành vi phạm tội của Th là thứ yếu, sau vai trò của Phan Công Q, khi xử phạt Phan Công Q 42 tháng tù thì mức hình phạt của Nguyễn Văn Th phải dưới 31,5 tháng tù. Nhưng Hội đồng xét xử ấn định Th phải chịu 36 tháng tù. Mức hình phạt của Th như vậy phản ảnh vai trò của Th cao hơn vai trò của Q trong vụ án này, trái với nhận định của Hội đồng xét xử trong bản án, gây thiệt hại cho bị cáo Th.
Cũng trong vụ án này, đại diện Viện kiểm sát thực hành công tố tại phiên tòa đã đề nghị áp dụng Điều 47, chuyển khung hình phạt cho bị cáo Q từ khoản 2 Điều 133 về tội Cướp tài sản
(mức thấp nhất của khung hình phạt là 07 năm tù)xuống khoản 1
(mức thấp nhất của khung hình phạt là 36 tháng tù) nhưng lại đề nghị xử phạt bị cáo Q từ 30 tháng tù
(mức đề nghị thấp hơn mức thấp nhất của khung 1).
Ví dụ 2: Bị cáo Đặng Ngọc H
(khi phạm tội là vị thành niên) cùng đồng phạm Trần Văn N, Trần Văn T bị xét xử về tội Cướp tài sản theo điểm a khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự. Bị cáo H được Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Đ nhận định có vai trò thứ ba, nhất thời phạm tội, bị người khác rủ rê, xúi giục; bị cáo Trần Văn N được đánh giá là đầu vụ, bị cáo Trần Văn T có vai trò thứ nhì. Khi lượng hình, Trần Văn T bị xử phạt
7 năm tù, Đặng Ngọc H bị xử phạt
5 năm 6 tháng tù. Như vậy, nếu giả sử vai trò của H ngang với vai trò của T, về nguyên tắc áp dụng mức hình phạt cho người vị thành niên thì mức cao nhất H phải chịu là ¾ của 7 năm, tức là 5 năm 3 tháng tù. Trong vụ án này, vì là người có vai trò thứ yếu, xếp sau T, nên dù không cần áp dụng Điều 47 để chuyển khung, thì mức hình phạt của H phải dưới 5 năm 3 tháng tù. Hay nói rõ hơn, mức hình phạt 5 năm 06 tháng tù mà Hội đồng xét xử áp dụng đối với H trong vụ án này vừa không thỏa mãn khi áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự vừa không thỏa mãn nguyên tắc lượng hình đối với người chưa thành niên phạm tội, gây thiệt hại cho bị cáo H.
Ví dụ 3: Các bị cáo Trương Hữu T, Trần Th, Phạm Thanh B, Phạm Văn C và Hồ Duy D bị xét xử về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự. Khi phạm tội B, C, D là vị thành niên. Hội đồng xét xử huyện D nhận định vai trò của Trần Hữu T và Trần Th là cầm đầu, tích cực; còn B, C, D là giúp sức, thứ yếu. Thế nhưng khi lượng hình, Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47, chuyển khung hình phạt, xử phạt Trần Hữu T và Trần Th, mỗi bị cáo 01 năm tù còn lại các bị cáo B, C, D bị xử phạt mỗi bị cáo 09 tháng tù. Nếu tính nguyên tắc chịu mức hình phạt của người chưa thành niên thì ¾ của 01 năm là 09 tháng tù
. Lượng hình như thế này thì đánh đồng vai trò phạm tội của các bị cáo là như nhau, không bị cáo nào nặng hơn hoặc nhẹ hơn cả!
Ví dụ 4: Hội đồng xét xử nhận định: Cấp sơ thẩm áp dụng Điều 47 để xử phạt bị cáo đầu vụ, chủ mưu Nguyễn Cao P 18 tháng tù, bị cáo có vai trò thứ hai Trần Văn U 12 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản là đúng pháp luật. Nhưng do có tình tiết mới, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa án sơ thẩm, hạ mức hình phạt của bị cáo đầu vụ Nguyễn Cao P xuống
12tháng tù; theo đó bị cáo có vai trò thứ hai Trần Văn U được hạ xuống còn
09 tháng tù. Vấn đề ở chỗ Nguyễn Cao P khi phạm tội là người đã thành niên, còn Trần Văn U khi phạm tội đang là vị thành niên. Nhưng so sánh hai mức hình phạt giữa P và U như trên thì vô hình chung vai trò của P ngang với vai trò của U. Hay nói rõ hơn, việc áp dụng Điều 47, hạ khung hình phạt, ấn định mức hình phạt cho bị cáo Trần Văn U của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã “quên” áp dụng nguyên tắc xác định mức hình phạt cho người chưa thành niên phạm tội
(3/4 mức hình phạt của người đã thành niên …); đã không cá thể hóa hình phạt giữa các bị cáo được, ấn định mức hình phạt của bị cáo cầm đầu với bị cáo có vai trò thứ yếu như nhau.
Ví dụ 5: Nguyễn Văn B và Hồ Phước S phạm tội hiếp dâm, nhưng hành vi phạm tội của các bị cáo chưa thực hiện được do lực lượng tuần tra của công an bắt giữ. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm áp dụng điểm c khoản 2 Điều 111, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 18, Điều 47, Điều 69 và Điều 74 của Bộ luật Hình sự, xử phạt mỗi bị cáo 04 năm tù. Vấn đề ở chỗ:
– Thứ nhất: Mức thấp nhất của khung hình phạt theo khoản 2 Điều 111 là 07 năm tù. Các bị cáo là người chưa thành niên, phạm tội chưa đạt. Nên khi áp dụng Điều 47 để chuyển khung thì các bị cáo chỉ bị áp dụng mức án ¾ của người phạm tội đã thành niên và ¾ của người phạm tội đã hoàn thành. Giả sử cho rằng mức án của người phạm tội bình thường là 7 năm, thì trong vụ án này, khi áp dụng Điều 69, 74 mức hình phạt của các bị cáo không quá 5,25 năm tù
(3/4 của 7 năm), đồng thời áp dụng Điều 18, Điều 52
(phạm tội chưa đạt) thì mức án của các bị cáo không quá 3,15 năm tù (
3/4 của 5,25 năm). Trong khi đó, cấp sơ thẩm áp dụng Điều 47, Điều 74, Điều 52 nhưng lại xử các bị cáo 4 năm tù là không đúng nguyên tắc quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội (Điều 74 BLHS) và trong trường hợp phạm tội chưa đạt (Điều 52 BLHS), gây thiệt hại cho các bị cáo.
Tình huống thứ ba: Khi đảm bảo điều kiện áp dụng Điều 47 và ấn định mức hình phạt cơ bản là đúng pháp luật thì các vấn đề liên quan đến mặt bằng xét xử được nhắc đến nhiều nhất. Theo thống kê sơ bộ, nhìn tổng quát kết quả ấn định mức hình phạt trong cùng một Tòa án nhân dân cấp huyện nói riêng, trong hệ thống Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam nói chung còn nhiều việc phải bàn. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:
– Ví dụ 1: Về tội “Vi phạm qui định điều khiển PTGT đường bộ” – bị xét xử theo khoản 2 Điều 202, được áp dụng Điều 47 để hạ khung hình phạt:
Phân tích bảng tổng hợp trên, chúng tôi đưa ra hai chi tiết:
– Chi tiết thứ nhất: So sánh kết quả xét xử sơ thẩm của bị cáo P (1980) và bị cáo Đ (1993), cho chúng ta thấy khoảng cách rất xa giữa mức hình phạt mà các Hội đồng xét xử đã ấn định. Bị cáo Đ phạm tội tại địa bàn miền núi, không có quốc lộ, mức độ tham gia giao thông thấp, gây thiệt hại cho 01 người với tỷ lệ thương tích trên mức đủ để truy tố là 2%, Hội đồng xét xử đã xử phạt 12 tháng tù. Bị cáo P phạm tội tại địa bàn huyện Đồng Bằng, mức độ tham gia giao thông vừa phải, hậu quả gây chết 01 người, bị thương 01 người tỷ lệ 18%, Hội đồng xét xử đã xử phạt 12 tháng tù. Trên địa bàn Quảng Nam hiện nay, tai nạn giao thông vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp; chủ trương chung về xử lý trách nhiệm của người gây tai nạn là nghiêm khắc như nhau, không phân biệt phạm tội trên địa bàn nào. Chi tiết này phản ảnh thực trạng thiếu thống nhất trong việc ấn định mức hình phạt cho các bị cáo phạm cùng một loại tội, có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhân thân tương đương nhau.
– Chi tiết thứ hai: So sánh kết quả xét xử phúc thẩm của bị cáo Q (1993), bị cáo A (1985) và bị cáo Đ (1993), chúng ta thấy tính thống nhất chưa cao về quan điểm xét xử của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm. Bị cáo A gây thiệt hại cho 01 người, thương tích 45% và 02 người từ chối giám định, bồi thường thêm 1.000.000 đồng tại cấp phúc thẩm, Hội đồng xét xử y án sơ thẩm, xử 12 tháng tù. Bị cáp Đ gây thiệt hại cho 01 người, thương tích 33%, bồi thường thêm 1.000.000 đồng tại cấp phúc thẩm, Hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm còn 09 tháng tù. Bị cáo Q gây thiệt hại chết 01 người, 03 người từ chối giám định, thiệt hại vật chất hơn 5.000.000 đồng, bồi thường tại cấp phúc thẩm 10.000.000 đồng, Hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm, xử phạt 09 tháng tù. Chi tiết này phản ảnh, Hội đồng cấp phúc thẩm thiên về các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm, quyết định kết quả y án, sửa án sơ thẩm và ấn định mức hình phạt còn nhiều khoảng cách, chưa đảm bảo mặt bằng chung về quan điểm quyết định hình phạt.
Ví dụ 2: Về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104, được áp dụng Điều 47 để chuyển khung hình phạt: (Người đọc tự phân tích, tìm ra điểm chưa hợp lý);
III. Một số nguyên nhân của những sai sót, tồn tại trên:
Trước hết, phải khẳng định các sai sót và tồn tại trên không chỉ phát sinh trong năm 2013 mà còn ở những năm trước đó và các sai sót này chưa được xem xét, trao đổi theo một chuyên đề riêng, chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Trong chuyên đề này, chúng tôi mạnh dạn xác định những sai sót trên tập trung vào những nguyên nhân sau:
Một : Các qui định tại Bộ luật Hình sự, nhất là các điều 46, 47, 48 và từng tội danh cụ thể còn nhiều điểm vướng mắc chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất. Đây là cái gốc của việc phát sinh kết quả quyết định hình phạt thiếu thống nhất trong việc áp dụng Điều 47, chuyển khung hình phạt, ấn định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố của Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua (cả cấp huyện lẫn cấp tỉnh đều mắc sai sót). Hơn nữa, khung hình phạt tại các điều luật của Bộ luật Hình sự cho phép Hội đồng xét xử ấn định mức hình phạt dao động tương đối rộng, trong khi đó đa phần Hội đồng xét xử thường chủ quan xem xét tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra mà lượng hình, ít quan tâm đến việc so sánh, đối chiếu với vụ án khác hoặc với kết quả xét xử của Hội đồng xét xử khác hay tại huyện, thành phố, địa phương khác đối với cùng loại tội và điều kiện tương tự.
Hai: Hội đồng xét xử các cấp vẫn còn tâm lý phụ thuộc nhiều vào mức án do đại diện Viện kiểm sát đề xuất; vai trò điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong một số trường hợp là thiếu bản lĩnh, năng lực nghiệp vụ chưa đáp ứng. Điều này nảy sinh hai khuynh hướng: Hoặc là lúng túng, không phân biệt rạch ròi được đâu là điều kiện cần, đâu là điều kiện đủ, tại phiên tòa không làm rõ, không xác định được đã thỏa mãn yêu cầu để áp dụng tình tiết giảm nhẹ hay chưa, không chứng minh rõ để Hội thẩm nhân dân hiểu đúng, áp dụng đúng pháp luật, nhất là tâm lý sợ án bị sửa, bị hủy nên làm theo kiểu “áp dụng nhầm còn hơn bỏ sót”; hoặc là chủ quan, cứng nhắc, thiếu cầu thị, làm theo ý mình, không quan tâm ý kiến của Hội thẩm nhân dân. Cả hai vấn đề trên đều làm cho kết quả xét xử của Hội đồng thiếu chuẩn xác, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bị cáo.
Ba: Một số Hội thẩm nhân dân chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia xét xử. Điều này bắt đầu từ khi nghiên cứu hồ sơ vụ án. Phần lớn các Hội thẩm nhân dân chỉ quan tâm nghiên cứu xem bị cáo đã bị truy tố đúng tội chưa, đúng các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt chưa. Ít quan tâm đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong quá trình xét xử, có Hội đồng xét xử quên hỏi phần các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo và cũng không làm rõ điều này ở phần tranh luận. Tại phần nghị án, các Hội thẩm thiên về ý kiến của Thẩm phán là chủ yếu, lại rất quan tâm đến mức đề xuất của Viện kiểm sát. Phần lớn các vị Hội thẩm ít quan tâm đến áp dụng điểm nào, khoản nào của Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự mà chỉ quan tâm nhiều đến việc bị cáo bị xử bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm tù. Cộng tất cả các điều đó lại là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh sai sót như trong các ví dụ trên.
Bốn: Qui định “Có thể” chuyển khung hình phạt của Điều 47 Bộ luật hình sự trên thực tiễn đã phát sinh tính tùy tiện trong áp dụng. Một số trường hợp Hội đồng xét xử chưa đảm bảo tính độc lập khi xét xử, tâm lý bị ảnh hưởng, tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Điều này phát sinh tình huống, Hội đồng xét xử có biểu hiện “lục tìm” hết các yếu tố giảm nhẹ, thậm chí chưa “tròn” điều kiện vẫn phân tích, hướng dẫn cung cấp tài liệu này, chứng cứ kia xem là tình tiết giảm nhẹ để đủ điều kiện áp dụng Điều 47, trong đó có việc hướng đến việc áp dụng Điều 60 cho bị cáo hưởng án treo.Ngược lại cũng có số ít bản án người đọc “chưa tìm thấy” việc Hội đồng xét xử phân tích rõ các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo đương nhiên được hưởng, nên có trường hợp quyền lợi của bị cáo chưa được Hội đồng xét xử cân nhắc thấu đáo.
IV. Một số vấn đề Hội đồng xét xử cần quan tâm khi áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự:
Kết quả khảo sát của bài viết này tuy chưa đánh giá hết được những mặt làm được, chưa làm được khi Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân hai cấp trong thời gian qua đã áp dụng Điều 47, hạ khung hình phạt, ấn định mức hình phạt cho bị cáo. Nhưng qua các nội dung đã phân tích, đánh giá trên, chúng tôi nêu lại một số vấn đề với kỳ vọng rằng nó đủ sức kết nối được tính thống nhất trong tác nghiệp tố tụng, góp phần phục vụ cho công tác xét xử trong thời gian đến liên quan đến việc áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự.
1. Về vai trò, trách nhiệm của Hội đồng xét xử:
Về mặt quan điểm, Hội đồng xét xử phài đảm bảo tính độc lập. Trong đó, Hội thẩm nhân dân phải thể hiện rõ vị trí là người đại diện cho nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân khi tham gia xét xử. Chế định Điều 47 là một trong những chính sách ưu việt của pháp luật Nhà nước ta, với quan điểm xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho những người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Do vậy, đòi hỏi mỗi thành viên Hội đồng xét xử phải thể hiện hết năng lực, vai trò, vị trí của mình khi tham gia xét xử. Phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, xác định rõ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị cáo, định hướng phương cách làm rõ tại phiên tòa, đối chiếu với qui định của pháp luật để xác định có nên hay không nên áp dụng Điều 47 cho bị cáo khi lượng hình. Khi nghị án, Thẩm phán và các vị Hội thẩm nhân dân phải đảm bảo tính độc lập, phải có trách nhiệm cao đối với quan điểm của mình đưa ra, phải lưu ý rõ cơ sở pháp luật nào mà Hội đồng xét xử ấn định mức hình phạt là A mà không phải là B, là nhẹ mà không phải là nặng,chứ không chung chung theo kiểu “thỏa thuận” và không phụ thuộc nhiều vào ý kiến đề xuất của Kiểm sát viên; mỗi thành viên Hội đồng xét xử phải cân nhắc kỹ mỗi tình tiết, mỗi điểm, mỗi điều luật áp dụng là phải đảm bảo giá trị thực tế của nó, không áp dụng kiểu “điền vào cho đủ” mà phải tính toán thận trọng vai trò của từng qui định pháp luật được áp dụng khi lượng hình.
2. Về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự:
Trước hết, Hội đồng xét xử phải bám sát các qui phạm pháp luật về qui định, hướng dẫn chi tiết các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 46, Điều 48 Bộ luật Hình sự, nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các hướng dẫn tại Công văn số 81/CV – TA ngày 10 tháng 6 năm 2002, Công văn số 16/CV – TA ngày 01 tháng 02 năm 1999, Công văn số 148/2002/KHXX ngày 30/9/2002 của Tòa án nhân dân tối cao và các Nghị quyết khác của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn các qui định của Bộ luật Hình sự về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt. Với những sai sót tại các bản án nêu trên, về việc xem xét, đánh giá các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, kết quả xét xử thực tiễn và qui định pháp luật hiện hành cho phép chúng ta thống nhất rằng: Mỗi điểm tại khoản 1 Điều 46 có thể có một tình tiết giảm nhẹ hoặc nhiều tình tiết giảm nhẹ. Khi áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trong cùng một điểm tại khoản 1 Điều 46, Hội đồng xét xử phải phân tích rõ, tách bạch từng tình tiết giảm nhẹ trong nội dung bản án.
3. Về xem xét điều kiện để áp dụng Điều 47:
Điều 47 Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn qui định này đã xác định “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”. Do vậy, Hội đồng xét xử phải chú ý kỹ nội dung qui định này. Xét thấy những trường hợp chưa đảm bảo các điều kiện được qui định ở trên thì không áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự, khi đã áp dụng Điều 47 thì bắt buộc phải ghi rõ lý do trong bản án. Đối với những vấn đề vướng mắc được nêu ở trên, từ kết quả xét xử thời gian qua và trên cơ sở các qui định hiện hành, chúng ta có thể thống nhất rằng: Không áp dụng phương pháp trừ số lượng giữa các tình tiết giảm nhẹ với các tình tiết tăng nặng áp dụng đối với bị cáo trong vụ án. Tuy nhiên, khi bị cáo bị truy tố bằng nhiều tình tiết định khung tăng nặng hoặc bị xem xét bởi nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 48 thì Hội đồng xét xử phải thận trọng cân nhắc, tốt nhất là không áp dụng Điều 47 để hạ khung hình phạt cho bị cáo. Trường hợp đặc biệt, thành viên Hội đồng xét xử phải vừa xem xét số lượng, vừa xem xét tính chất, mức độ, giá trị tác động của mỗi tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, phân tích rõ, tách bạch trong bản án để làm cơ sở áp dụng hay không áp dụng Điều 47 để hạ khung hình phạt. Đồng thời lưu ý, khi gặp trường hợp này, mức hình phạt ấn định phải cân nhắc hợp lý, không nên ấn định mức hình phạt như trường hợp tương tự không có tình tiết tăng nặng.
4. Về một số vấn đề cần lưu ý khi ấn định mức hình phạt trong trường hợp áp dụng Điều 47 để chuyển khung hình phạt:
Hình phạt mà Hội đồng xét xử ấn định cho bị cáo là phải xuất phát từ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm tại địa phương. Vấn đề này có tính tương đối và phụ thuộc nhiều vào từng vụ án cụ thể. Theo chúng tôi, cần thống nhất lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Hội đồng xét xử ấn định mức hình phạt đối với bị cáo phải rõ, phải có tính phân biệt hợp lý đối với bị cáo không áp dụng Điều 47 trong cùng một vụ án. Cần nghiêm túc xem xét lại cách tính hạ xuống 01 tháng như các trường hợp trên. Trước khi quyết định mức hình phạt, Hội đồng xét xử phải xem xét mức hình phạt dự định đưa ra đã đúng pháp luật chưa, có phù hợp với mặt bằng chung về áp dụng mức hình phạt tại địa phương, tại Tòa án nhân dân hai cấp thuộc tỉnh chưa. Tránh trường hợp kết quả xét xử thiếu thống nhất, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo nên tâm lý so sánh, nghi ngờ trong nhân dân.
Thứ hai: Khi áp dụng Điều 47 để hạ khung hình phạt, Hội đồng xét xử phải xem xét tính tương quan trong mối quan hệ với các điều luật khác cùng được áp dụng cho bị cáo; phải đảm bảo được tính cá thể hóa hình phạt. Nhất là phải đảm bảo tách bạch giữa nguyên tắc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên (Điều 74), đối với người chuẩn bị phạm tội , người phạm tội chưa đạt (Điều 52), đối với vai trò phạm tội của từng bị cáo và phải tính toán cẩn trọng khi gặp trường hợp một người có đầy đủ các yêu cầu trên. Tránh những sai sót tương tự như phân tích ở phần trên của chuyên đề này, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo.
Thứ ba: Trong trường hợp bị cáo phạm nhiều tội được xét xử trong cùng một vụ án, khi tuyên án, Hội đồng xét xử phải ghi tách bạch các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và việc áp dụng Điều 47 đối với tội gì trong tất cả các tội mà bị cáo bị xét xử. Tránh ghi chung vào một dòng, không tách bạch, không nhận định được bị cáo được áp dụng Điều 47 đối với tội nào trong các loại tội mà bị cáo đang bị xét xử.
V. Kết luận:
Các sai sót, tồn tại khi áp dụng Điều 47 để xét xử trong vụ án hình sự không phải là nguyên nhân chính để xem xét hủy án, phần nhiều là điều kiện để Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm. Điều quan trọng hơn, chính việc sai sót, thiếu thận trọng trong việc áp dụng Điều 47, ấn định mức hình phạt cho bị cáo đã làm giảm hiệu quả của mục đích mà điều luật hướng tới, tạo nên những khoảng cách giữa các bản án tương tự, tạo nên sự hoài nghi không đáng có trong nhìn nhận của nhân dân đối với kết quả xét xử của Tòa án và cuối cùng là phát sinh tính tùy tiện trong quá trình xét xử của người tiến hành tố tụng, nhất là thành viên Hội đồng xét xử. Qua chuyên đề này, bằng việc phân tích từ những sai sót, tồn tại thực tế, chúng tôi hy vọng rằng sẽ giúp đồng nghiệp và đọc giả có cách nhìn kỹ hơn về bản chất vấn đề, để góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam.
Lưu ý: Bài viết đang ở dạng nghiên cứu, tổng hợp, đồng nghiệp và đọc giả không được sử dụng thông tin bài viết làm tư liệu nghiên cứu khoa học