Tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm đều tuyên bị cáo vô tội nhưng TAND Tối cao cho rằng bị cáo phạm tội khác, cuối cùng cơ quan điều tra đình chỉ với lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự để né bồi thường oan.
Người bị oan là ông Nguyễn Kim Minh, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Ban đầu, ông Minh bị khởi tố, truy tố tội cố ý gây thương tích. Sau hai phiên tòa được tuyên vô tội, những tưởng ông Minh đã được xin lỗi, minh oan, nào ngờ cơ quan tố tụng lại tìm cách né trách nhiệm bồi thường oan với những động thái tố tụng lạ lùng.
Bị khởi tố vì… người bị hại có thương tích
Theo hồ sơ, tối 9-7-2007, bà Nguyễn Thị Lan (chủ xe khách ở Quảng Nam) đang giác hơi tại phòng trọ thuê của bến xe thì ông Kỷ – trưởng bến xe đến yêu cầu trả phòng. Bà Lan không đồng ý nên giữa hai bên xảy ra cãi vã. Sau khi bỏ về, ông Kỷ gọi Hiển (chồng bà Lan) ra uống bia nhưng không được. Thấy ông Kỷ lấy điện thoại ra gọi, bà Lan hỏi: “Gọi cho Minh “bạc” hả?”. Ông Kỷ nói lại: “Con này thông minh ghê, nó biết hết trơn”.
Một lúc sau, ông Nguyễn Kim Minh (cũng là chủ xe khách) chở Trần Thanh Tuấn (phụ xe) và Phan Gia Huệ vào quán uống nước. Lúc này, Tuấn đi về phía phòng trọ của bà Lan thì gặp ông Hiển nên xông vào đánh. Thấy vậy, Huệ và bà Lan vào can ngăn. Lúc này, ông Minh chạy đến thì bị bà Lan chửi bới, túm rách áo của ông Minh. Bị đánh vô cớ, ông Minh đánh nhiều cái vào đầu và mặt rồi đẩy bà Lan té xuống đất. Sau đó ông Minh quay lại quán nước.
Tức giận, bà Lan và chồng đứng chửi bới ông Minh. Nghe thấy chửi mình, ông Minh cởi trần, tay cầm áo đi tới. Thấy vậy, Hiển cúi xuống nhặt đá, ông Minh cũng cúi xuống nhặt đá (nhưng không rõ có đá trong tay hay không). Lúc này, Tuấn xông vào đạp Hiển, còn bà Lan chạy tới phía sau lưng ông Minh nhưng bị ông Minh đánh trúng mặt ngã xuống đất. Sau đó bà Lan được đưa đi cấp cứu. Kết quả giám định ghi bà Lan bị thương tật 40%.
Bốn ngày sau, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện Bắc Trà My có quyết định trưng cầu giám định lại. Bản giám định ngày 11-10-2007 của Trung tâm Pháp y Đà Nẵng kết luận bà Lan bị vỡ xoang hàm, gò má bên phải, chấn thương mắt, tụ máu kết mạc và mi mắt, liệt cơ vòng mắt, tỉ lệ thương tích là 50%. Trong đó, tổn thương vùng mắt là do vật tày gây nên.
Sau đó ông Minh bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, còn Trần Thanh Tuấn bị truy tố tội gây rối trật tự công cộng.
Đánh bằng tay thì không gây ra thương tích như thế
Tại các phiên tòa, ông Minh cho rằng thương tật 50% của nạn nhân không phải do mình gây ra. Ông Minh khai đang uống cà phê thì nghe tiếng ồn ào nên đi ra thì bị bà Lan xông vào cấu xé, chửi bới nên đẩy bà này té. Lúc này, Hiển chạy đến chửi và nhặt đá ném vào nơi bà Lan đang kéo ông Minh. Tiếp đó, Hiển xông đến xô bị cáo ngã xuống. Khi đó bị cáo có nghe ai đó nói “ném trúng bà Lan rồi”. Còn thương tích của nạn nhân do ai gây nên bị cáo không hề biết.
Luật sư bào chữa cho ông Minh cũng yêu cầu tòa làm rõ có hay không việc bị cáo Minh cầm đá ném người bị hại và nếu ném thì ném vào vị trí nào.
Tuy nhiên, xử sơ thẩm (lần một), TAND huyện Bắc Trà My cho rằng yêu cầu và lời khai này của luật sư và bị cáo là không có căn cứ, thương tật 50% của bà Lan là do ông Minh gây ra bằng tay. Từ đó, tòa phạt ông Minh hai năm tù.
Ông Minh kháng cáo kêu oan.
Tại phiên phúc thẩm, ông Minh khai do muốn được tại ngoại nên đã nghe theo lời kiểm sát viên để khai theo hướng có dùng tay đánh bà Lan một cái. Nhưng sự thật là bị cáo hoàn toàn không đánh, bị cáo chỉ đến xem nhưng lại bị bà Lan lao vào chửi bới.
Còn bà Lan tại tòa liên tục thay đổi lời khai. Lúc thì khai bị cáo Minh dùng tay chân đánh rất nhiều vào vùng mặt, lúc thì khai ông Minh cầm đá đánh vào mặt, lúc lại khai cầm đá ném vào mặt, cũng có lúc lại khai ông Minh dùng tay đánh nhưng trên tay có cầm đá hay không thì không biết.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Quảng Nam cho rằng cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Minh dùng tay gây thương tích cho nạn nhân là không có căn cứ, không phù hợp với cơ chế hình thành vết thương của người bị hại. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cấp sơ thẩm còn vi phạm nghiêm trọng về tố tụng khi tự ý trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại thương tích của người bị hại trong khi bị cáo và người bị hại không hề có khiếu nại gì về kết quả giám định lần đầu.
Sau khi xem xét, TAND tỉnh Quảng Nam cho rằng vụ án có nhiều sai sót về tố tụng, còn bất nhất trong lời khai của người bị hại. Theo giám định thương tật của nạn nhân, vết thương phần mềm gò má phải 2 cm, sâu 0,5 cm nham nhở… Nhưng cơ quan tố tụng lại quy kết vết thương này do bị cáo dùng tay gây nên là không phù hợp với cơ chế vết thương. Bản thân bị cáo Minh khai trong lúc bà Lan xông vào níu kéo, giằng co với bị cáo thì Hiển (chồng bà Lan) xông đến nhặt đá ném vào nơi bà Lan đang níu kéo và khi bị Hiển xô ngã có nghe ai đó nói “ném đá trúng bà Lan rồi”. Nội dung này hoàn toàn phù hợp với lời khai người làm chứng và bị cáo Tuấn. Ngoài ra, tòa nhận định có dấu hiệu ký khống vào biên bản ghi lời khai của người bị hại và người làm chứng. Từ đó, tòa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Hai lần được tuyên vô tội
Tháng 11-2012, TAND huyện Bắc Trà My xử sơ thẩm lần hai. Tại tòa, đại diện VKS tiếp tục cho rằng dù bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng đã đủ cơ sở chứng minh ông Minh dùng đá gây thương tích cho nạn nhân 50%. Từ đó, viện đề nghị tòa xử phạt ông Minh từ năm đến sáu năm tù.
Sau khi xem xét, HĐXX nhận định quan điểm của VKS chưa đủ cơ sở. Trong suốt quá trình tố tụng, người làm chứng Nguyễn Thị Kiều Nga khai dựa trên hướng dẫn của cán bộ điều tra chứ không tự khai được, các lời khai sau bà Nga luôn yêu cầu đọc lại lời khai trước đó mới xác định lời khai trên là đúng.
Theo tòa, VKS sử dụng lời khai của người làm chứng Nguyễn Đình Tuấn làm cơ sở buộc tội cho bị cáo. Tuy nhiên, người này lại không hề có mặt tại hiện trường. Cụ thể, lúc sự việc xảy ra thì Tuấn đang tính tiền tại quán nước, sau khi sự việc ồn ào bà chủ quán nước mới gọi Tuấn chạy ra xem. Còn lời khai của hai nhân chứng khác thì xác định thời điểm ông Minh xô xát với bà Lan thì nạn nhân chưa hề có thương tích. Đến khi Hiển xông vào ném đá ông Minh thì ông Minh chạy vào quán nước, cả hai vật nhau tại đây. Lúc này, nạn nhân xông vào cào xé phụ xe của ông Minh, một lúc sau thì bà Lan té và được mọi người đưa đi cấp cứu.
Thêm nữa, theo lời khai của nhân chứng Nguyễn Đình Tuấn và nạn nhân thì bị cáo tay phải cầm đá đánh từ phải sang trái vào mặt của bà Lan gây thương tích. Về nguyên tắc, khi hai người đứng đối diện, bị cáo dùng tay phải đánh ngang từ phải sang trái thì thương tích gây ra cho nạn nhân phải là bên trái. Nhưng ở đây nạn nhân lại bị thương ở má phải, như vậy là không phù hợp với cơ chế vết thương. Từ đó, TAND huyện Bắc Trà My tuyên bố ông Minh không phạm tội.
Sau đó VKSND huyện Bắc Trà My kháng nghị cho rằng ông Minh phạm tội. Tuy nhiên, xử phúc thẩm (lần hai), TAND tỉnh Quảng Nam đã bác kháng nghị này và giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên bố ông Minh không phạm tội.
Chuyển qua tội khác để né bồi thường?
Tưởng rằng vụ án đã khép lại, ông Minh sẽ được xin lỗi, bồi thường oan. Nhưng rồi đến tháng 10-2013, VKSND Tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm.
Tháng 3-2014, Tòa Hình sự TAND Tối cao xét giám đốc thẩm và ra quyết định hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm (tuyên ông Minh không phạm tội). Tòa này nhận định không có cơ sở xác định ông Minh gây thương tích cho nạn nhân nhưng lại cho rằng đủ cơ sở để xác định ông Minh có dùng tay đánh bà Lan. Theo tòa này, dù nguyên nhân xuất phát từ việc bà Lan chửi bới, túm áo ông Minh nhưng hành vi này của ông Minh xảy ra ở bến xe là nơi công cộng vào khoảng thời gian đêm khuya gây ảnh hưởng đến trật tự trị an, hậu quả xô xát khiến bà Lan thương tích nặng. Từ đó, tòa cho rằng đủ cơ sở để xác định ông Minh có dấu hiệu phạm tội gây rối trật tự công cộng.
Sau khi có quyết định giám đốc thẩm, Công an huyện Bắc Trà My ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố ban đầu, chuyển tội danh từ cố ý gây thương tích sang tội gây rối trật tự công cộng. Đến tháng 12-2014, công an huyện này ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Minh vì cho rằng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tội gây rối.
52 ngày tạm giam và tám năm trời ròng rã kêu oan
Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm trên đường Lê Duẩn (TP Đà Nẵng), ông Minh nói như khóc: “Tôi gửi đơn kêu oan lên công an tỉnh rồi VKS tỉnh… nhưng rồi họ đều chuyển về cho công an và VKSND huyện Bắc Trà My giải quyết. Cấp huyện thì vẫn khăng khăng cho rằng tôi có tội. Suốt tám năm qua, gia đình tôi khốn khổ vì vụ án này”. Sau khi bị bắt giam 52 ngày, ông Minh được thay đổi biện pháp ngăn chặn, chuyển sang “cấm đi khỏi nơi cư trú” cho đến nay, khi ông đã được đình chỉ điều tra.