Về phát ngôn của ông Đương

Không biết sắp tới Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có xử lý đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương không nhưng đi đâu, ngồi ở quán cà phê nào “cử tri” cũng bàn tán về phát ngôn của đại biểu Quốc hội Đương. Dù gì thì Quốc hội cũng phải trả lời kiến nghị của Liên đoàn luật sư Việt Nam, nhưng đó là chuyện “động trời” rồi, Quốc hội đang họp, bàn về nhiều việc hệ trọng và phải dành thời gian để nghiên cứu “bấm nút” thông qua gần 20 luật, công việc nặng nề như vậy chắc chưa có thời gian để xem xét phát ngôn của đại biểu Đương trước báo giới đúng, sai thế nào?

Luật sư Quảng Nam

Luật sư Vũ Minh Thường cùng các luật sư Đoàn luật sư tỉnh Quảng Nam tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân tháng 10/2014

Ông Đương khẳng định trước báo giới rằng, ông đã đọc hết Công văn số 258 ngày 31/10/20114 của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam và cho đó là chuyện bình thường. Theo ông Đương, ông nói như vậy là từ thực tế. Ông Đương còn trích dẫn Hiến pháp cho ông cái quyền nói “dân biểu nói tiếng nói của dân, không thể truy cứu trách nhiệm được” cho dù nội dung đó đúng hay sai, ông Đương còn nêu “Chẳng lẽ nói đụng đến ai cũng kiến nghị xử lý hay sao”.

Vậy là ông Đương cho mình cái quyền “muốn nói gì thì nói! Muốn đụng đến ai cũng được!” Nói vậy hóa ra “dân biểu” có cái quyền to thật, chẳng ai làm gì được. Nếu đúng như thế thì dư luận hoang mang quá! Cử tri bỏ phiếu bầu ra “đại biểu” của mình, nhưng khi họ đã là “dân biểu” rồi thì bất khả xâm phạm như ông Đương nói sao! Ông Đương bảo “quyền im lặng” trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) là “vẽ đường cho hươu chạy”. Ông cũng thẳng thừng “hươu” mà ông nói là tội phạm, nếu quy định quyền im lặng thì tội phạm sẽ lộng hành. Nhưng ông không biết là tội phạm lộng hành rồi thì mới có quyền im lặng, tội phạm hoành hành đâu phải Nhà nước quy định quyền này, quyền kia cho bị can, bị cáo! mà cũng mới là ý kiến, Quốc hội còn thảo luận, có “bấm nút” hay không, còn phải chờ các vị “dân biểu” ?!

Nhưng trước báo giới mà ông Đương quy chụp cho giới luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho người có tiền thì giới luật sư không chịu được, Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi kiến nghị lên Quốc hội là hợp đạo lý. Luật Luật sư vừa được quốc hội sửa đổi, bổ sung có quy định “trợ giúp pháp lý miễn phí là nghĩa vụ của luật sư” và trên thực tế nhiều năm qua, các Đoàn luật sư của 63 tỉnh, thành phố đã trợ giúp pháp lý miễn phí cho hàng vạn lượt người rồi, chỉ tính vụ Vedan các luật sư của ba đoàn, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trợ giúp pháp lý miễn phí cho hàng chục ngàn người dân bị Vedan gây thiệt hại đó thôi; từ lâu Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phát động và các luật sư trên cả nước đã thường xuyên tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, trong đó tập trung vào ngày 10/10 hàng năm. Nay Luật Luật sư quy định là nghĩa vụ và Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu mỗi luật sư trong một năm phải trợ giúp pháp lý 8 giờ, vậy mà ông Đương nói luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền thì quả thực là “lộng ngôn” quá!

Đại biểu Quốc hội nói tiếng nói của dân, nhưng nói như thế nào cho dân nghe sướng cái lỗ tai, nói như thế nào để thể hiện ý chí, nguyện vọng của dân, chứ nói như ông Đương e rằng cử tri cả nước nói chung, cử tri thành phố Hồ Chí Minh nói riêng nghe không lọt cái lỗ tai đâu! Mong rằng, qua sự “lỡ miệng” này, ông Đương biết mình phải làm gì? Đừng cố đấm…thì cử tri chúng tôi sợ lắm!

Đinh Văn Quế
(Nguyên Chánh tòa Hình sự, TANDTC)